Nhận lời mời của Nhà nước Nhật Bản, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Võ Văn Thưởng và Phu nhân Phan Thị Thanh Tâm đã thăm chính thức Nhật Bản từ ngày 27 đến ngày 30/11/2023. Trong chuyến thăm, Nhà Vua và Hoàng hậu Nhật Bản hội kiến và chiêu đãi Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân. Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã dự lễ đón chính thức, duyệt đội danh dự, hội đàm, phát biểu báo chí chungvà cùng chứng kiến lễ ký kết các văn kiện hợp tác. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cũng đã có phát biểu chính sách tại Quốc hội Nhật Bản và thăm tỉnh Fukuoka.
Chuyến thăm Nhật Bản lần này của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân diễn ra trong bối cảnh nhiều hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (21/9/1973-21/9/2023) đang được tổ chức giữa Nhật Bản và nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Trên cơ sở những thành tựu nổi bật của quan hệ song phương trên tất cả các lĩnh vực trong 50 năm qua, với tiềm năng hợp tác rộng mở và sự tin tưởng vững chắc vào tương lai tốt đẹp của quan hệ hai nước, nhằm đáp ứng nguyện vọng của nhân dân hai nước, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Thủ tướng Kishida đã nhất trí ra Tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ Việt Nam - Nhật Bản lên “Đối tác Chiến lược toàn diện vì Hoà bình và Thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới” tại cuộc hội đàm vào ngày 27/11/2023, qua đó khẳng định mong muốn của hai nước cùng thúc đẩy quan hệ hợp tác trên mọi lĩnh vực lên tầm cao mới và mở rộng sang những lĩnh vực hợp tác mới.
Hai Nhà lãnh đạo nhấn mạnh các nguyên tắc nền tảng định hướng quan hệ Việt Nam - Nhật Bản, bao gồm tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc, tuân thủ luật pháp quốc tế và tôn trọng thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước.
Thông tin về kết quả cuộc hội đàm rất thành công với Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Thủ tướng Kishida Fumio cho biết hai bên đã trao đổi về định hướng quan hệ Nhật Bản-Việt Nam trong tương lai và đồng ý nâng cấp quan hệ hai nước. Theo đó, hai bên sẽ cùng xúc tiến hợp tác trong 4 lĩnh vực.
Đầu tiên là lĩnh vực kinh tế, Thủ tướng Kishida Fumio cho rằng Việt Nam là đối tác cần thiết của Nhật Bản để hướng tới thực hiện Sáng kiến "Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương" tự do, rộng mở.
Việt Nam cũng là cứ điểm quan trọng trong chuỗi cung ứng của Nhật Bản. Hai bên sẽ cùng hợp tác để đồng sáng tạo các ngành công nghiệp tương lai, như công nghệ cao, đào tạo nguồn nhân lực….; cùng xúc tiến hợp tác và hỗ trợ về thiết bị quốc phòng.
Thủ tướng Kishida Fumio khẳng định: "Nguồn nhân lực Việt Nam là sự hiện diện không thể thiếu trong tiến trình phát triển kinh tế-xã hội của Nhật Bản," đồng thời cho hay hai nước sẽ mở rộng giao lưu thế hệ trẻ, giao lưu giữa các địa phương; giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch…
Nhật Bản và Việt Nam sẽ tăng cường hợp tác trên các diễn đàn khu vực và quốc tế vì một thế giới bảo vệ, tôn trọng con người; củng cố, duy trì trật tự, tự do quốc tế trên tinh thần thượng tôn pháp luật...
Phát biểu tại cuộc họp báo, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cảm ơn sự đón tiếp trọng thị, thân tình mà Nhà vua, Hoàng hậu và Hoàng gia, Thủ tướng Kishida Fumio, Chính phủ và nhân dân Nhật Bản dành cho Chủ tịch nước, Phu nhân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam.
Thông báo về kết quả cuộc hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cho biết hai nhà lãnh đạo đã cùng điểm lại những thành quả và các bước phát triển mạnh mẽ, vượt bậc, toàn diện của Quan hệ Hữu nghị Hợp tác Việt Nam-Nhật Bản trong 50 năm qua.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhấn mạnh: "Chúng tôi thống nhất cùng ra Tuyên bố Chung về nâng cấp quan hệ hai nước lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vì Hòa bình và Thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới. Đây là sự kiện quan trọng, mở ra chương mới trong quan hệ Việt Nam-Nhật Bản phát triển thực chất, toàn diện, hiệu quả, gắn kết chặt chẽ, đáp ứng lợi ích của hai bên, đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển ở khu vực và thế giới."
Hai bên cũng thống nhất những phương hướng lớn, chủ đạo của quan hệ hữu nghị hợp tác Việt Nam-Nhật Bản trong thời gian tới.
Theo đó, về chính trị, quốc phòng-an ninh, hai bên nhất trí tăng cường giao lưu, tiếp xúc cấp cao hằng năm với nhiều hình thức linh hoạt; tiếp tục triển khai hiệu quả các cơ chế đối thoại hợp tác đã có và thiết lập cơ chế hợp tác mới; tăng cường hợp tác quốc phòng-an ninh thực chất, hiệu quả trên cơ sở văn kiện chung đã ký kết giữa hai nước.
Về hợp tác kinh tế và lĩnh vực mới, hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường liên kết kinh tế; thúc đẩy hợp tác đảm bảo an ninh kinh tế; mở rộng hợp tác các lĩnh vực mới như Đổi mới Sáng tạo, Chuyển giao Công nghệ, Chuyển đổi Số, Chuyển đổi Xanh.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nói: "Tôi và Ngài Thủ tướng Kishida Fumio hoan nghênh các khoản vay ODA của Nhật Bản dành cho Việt Nam trong năm 2023 có thể vượt mốc 100 tỉ yen (671 triệu USD). Đây là tiền đề quan trọng để hai nước duy trì và đẩy mạnh hợp tác ODA những năm tới, tập trung vào các lĩnh vực như kết cấu hạ tầng chiến lược, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chống biến đổi khí hậu và y tế."
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đánh giá cao việc Thủ tướng Kishida Fumio khẳng định Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thực hiện công nghiệp hóa-hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ; khẳng định Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong đa dạng hóa chuỗi cung ứng của Nhật Bản; cam kết tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu của doanh nghiệp Nhật Bản.
Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam thực hiện các cam kết, trong đó có giảm phát thải ròng carbon bằng 0 vào năm 2050.
Hai bên khẳng định tăng cường kết nối nguồn nhân lực, hợp tác địa phương, du lịch, văn hóa, giao lưu nhân dân.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cũng nhấn mạnh, tại hội đàm, hai bên khẳng định sự cần thiết của việc duy trì trật tự quốc tế tự do và rộng mở trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế; phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn quốc tế và khu vực về những vấn đề cùng quan tâm, trong đó có vấn đề Biển Đông.
Hai bên nhất trí ủng hộ bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải, hàng không, giải quyết mọi tranh chấp, bất đồng bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982).